Tâm sự của giáo viên mầm non

Thứ hai - 24/02/2014 15:24
Bậc học mầm non chiếm một vị trị quan trọng trong hệ thống giáo dục. Nhưng giáo viên mầm non chưa thật sự được coi trọng, nhiều người vẫn nhìn giáo viên mầm non với cái nhìn dành cho “ô sin có bằng cấp”.

 

Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Ngọc Tuyền, Trường Mầm non Rạng Đông 7, Q.6, TPHCM trong buổi giao lưu “Cô giáo như mẹ hiền” với 105 giáo viên mầm non (GVMN) do Công đoàn Giáo dục TPHCM tổ chức.

GVMN không chỉ biết hát múa, kể chuyện, đọc thơ... mà giờ đây, để có thể đứng lớp, họ phải thật sự có kiến thức về trẻ thơ, về cuộc sống, phương pháp giáo dục. Chỉ có như vậy mới có thể đáp ứng chương trình giáo dục thay đổi liên tục với yêu cầu từ phụ huynh, xã hội.


 
Giáo viên mầm non trong buổi giao lưu Cô giáo như mẹ hiền.
Giáo viên mầm non trong buổi giao lưu "Cô giáo như mẹ hiền". 

Một ngày bình thường của GVMN bắt đầu từ 6h30 sáng và kết thúc lúc 5 giờ chiều với hàng loạt công việc chăm nuôi dạy trẻ cực kỳ áp lực. Về nhà, người GV tiếp tục chuẩn bị giáo án, dụng cụ học tập, sổ sách... cùng trách nhiệm lớn lao đối với sự phát triển thể chất, tâm hồn của học trò.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy - phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM nhấn mạnh rằng chỉ thật sự yêu nghề, các cô mới có thể gắn bó với công việc này.

“Công việc của người GVMN từ sáng đến chiều tối. Các ngành nghề khác giờ nghỉ trưa có thể ra ngoài thì các cô phải trực cho trẻ ngủ. Họ làm tất cả mọi việc từ dạy trẻ, chơi với trẻ, cho trẻ ăn ngủ, làm vệ sinh, bảo đảm an toàn cho các cháu. Trong tư duy, suy nghĩ họ luôn phải sống theo đúng thế giới của trẻ thơ”, bà Thủy đánh giá.

Bà Thủy kể thêm về công việc thầm lặng của GVMN ít ai biết đến mà bà chỉ có thể dùng từ khâm phục: “Bạn đã từng gặp ai ra chợ mua chọn củ quả như cà chua, su hào, su su, hành tây... mỗi thứ một ít? Có những cô giáo ra chợ tẩn mẩn như vậy để đưa đến lớp giúp học trò biết thế nào là quả cà chua, củ su hào”.

Nói về nghề nghiệp của mình, cô Nguyễn Thị Ngọc Tuyền cho rằng GVMN tổng hợp đủ các loại “sĩ” như bác sĩ, họa sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ và còn là một chuyên gia tâm lý. Vị thế bậc học giáo dục mầm non đã được nâng lên nhưng người GV chưa thật sự được coi trọng do nhiều người chưa thấy được vai trò của giáo dục mầm non. Theo cô Tuyền, vẫn còn rất nhiều người nhìn GV mầm non như là “ô sin có bằng cấp”.

“Tôi có ước mong duy nhất là xã hội hãy có cái nhìn đúng, đánh giá đúng về người GVMN”, cô Tuyên tâm tư.


 
Giáo viên mầm non đang phải ôm đồm cùng lúc nhiều công việc với những áp lực rất lớn.
Giáo viên mầm non đang phải ôm đồm cùng lúc nhiều công việc với những áp lực rất lớn.

Lý giải về việc nhiều người còn có cái nhìn chưa thiện cảm với GVMN, cô Nguyễn Xuân Hằng - Trường MN Phong Phú, Q.9, TPHCM cho hay, đâu đó vẫn còn một số hình ảnh GV chưa thật sự là người mẹ hiền được đăng tải trên báo chí, Internet. Ngoài ra, chưa phải ai cũng thấy được tầm quan trọng của bậc học MN đối với sự phát triển sau này của trẻ.  

“Để nâng cao vị thế của của mình, trước hết các nhà giáo phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn, nghiệp vụ. Đứng lớp chúng ta phải mang cái tâm của người thầy”, cô Ngô Thị Thủy - Trường MN thị trấn Củ Chi 2 bộc bạch.

Tuy nhiên, theo cô Thủy, bên cạnh đó cũng không thể thiếu sự quan tâm của nhà nước giúp họ có cường độ công việc phù hợp, thu nhập ổn định để người GV thực sự yên tâm tập trung cho công việc nuôi dạy trẻ.

Nguồn tin: Báo Dân trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
XEM NHIỀU NHẤT
HỖ TRỢ QUẢN TRỊ WEB
LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay43
  • Tháng hiện tại3,139
  • Tổng lượt truy cập206,836
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây